Tháng 10 năm 2007. Thủ đô Hà Nội trải qua một biến chuyển nho nhỏ. Trong những cơn gió mùa thu, đã thoáng có cái se lạnh, một cảnh báo thầm nhẹ về mùa đông sắp tới.

Ở một con phố bình dị, quần chúng thu mình thân quen với những chiếc ghế gần sát mặt đường và những cốc cà phê leng keng tiếng thìa nhôm. Có tiếng sột soạt của trang báo thường nhật.  Bên kia đường, vài chú bé đánh giày co gối với những lá bài vứt xoành xoạch xuống vỉa hè, những đồng tiền 500, 1000 vội vàng gom nhỏ vào sâu trong long bàn tay…  Gần đâu đấy, anh công an gãi đầu cố cãi nhau với chú bảo vệ gầy khuyết tật, chỉ ú với ớ, khọt khẹt, khọt khẹt như diễn viên hài trong phim tuyên truyền đen trắng của nước Liên Xô đàn anh vĩ đại.

Ở con phố bình dị đó, giữa không khí tình cảm của lá me rơi lăng tăng, của câu chuyện môi truyền tai, của những cô cậu thanh niên sắp lên phó thường dân, ngoan cố thêm dăm phút với tuổi trẻ, biến chuyển nho nhỏ xảy ra.

Một chiếc cửa cuốn từ đất ngược lên với bầu trời.

Dăm chiếc bàn gỗ sẫm màu, ghế cao ghế thấp.  Một cái gì đó xưa xưa, lại mới mới. Những bức ảnh không màu, vài cái lọ men, màu xanh bộ đội trên tường, màu sơn đen đã mòn trên sàn gỗ. Thân quen? Có. Là lạ? Cũng đúng là lạ.

Cộng.  Cái tên cũng chưa quen tai.  Nếu là bài toán thì quen.  Nếu là một phần khẩu hiệu thì quen. Nhưng lại là quán cà phê?  Là sao?  Mà đã sao?

Cộng Càphê.  Biến chuyển nho nhỏ trên phố Triệu Việt Vương.  Chính xác là ở số 152D.

Khách đến khai trương cứ quay ra quay vào, gật gù.  Dường như họ quen nhau, dường như họ cùng nhau tán dương cái chỗ mơi mới, gần gủi này.  Họ thích.  Họ biết ngay mùa thu này họ sẽ ở đây. Họ tự hẹn hò, tự hiểu, mùa đông cũng sẽ ngồi đây.

Họ ngâm giọt càphê trong miệng, gặm nhấm cái thơm ngon trên lưỡi.  Họ cắn hạt hướng dương.  Họ nhìn quanh.  Có người liên tưởng đến căn nhà của gia đình họ, mươi, hai mươi năm trước, họ nhớ cái đài Oriơntơn, cái tem phiếu bà cụ cất giấu trong cái khăn mù-soa, kẹp chiếc kim băng sau ba lớp áo bà ba.

Khách của Cộng đấy, vào những cái ngày se lạnh đầu tiên.  Hình như ở bên ngoài, cạnh cái biển màu bộ đội, có cái loa phường đã mếu máo.  Chả nói gì, chỉ trang điểm một cách đích xác cho hai chữ Cộng Càphê màu vàng, sơn tay nghịch ngợm nguệch ngoạc.

Nếu ở chung quanh đang có bóng dáng đèn nê-ông, đèn chớp nháy, ở góc này của Triệu Việt Vương là cái biển màu bộ đội đấy, và cái biển đèn yếu điện khiêm nhường, cái logo có ngôi sao vàng trên vài cái vệt đỏ.   Rất phong cách.

Phong thái Cộng. Vài nhân viên phục vụ, và cô chủ quán ấn tượng. Cứ có cái vẻ nhàng nhàng, pha chế sinh tố, cà phê y như thật.  Mà cũng có tay đấy chứ. Pha ngon đấy.

Nhâm nhi nhâm nhi.  Vào cái thời đấy, Cộng Cà phê Triệu Việt Vương đúng là một cái biến chuyển nho nhỏ.

Vào cái thời đấy, ở Cộng là một bước nhảy… lùi.  Biến chuyển nho nhỏ chính là đấy: là không đi với thời đại đèn led, biển hiệu nhấp nháy mà trở lại một cái thời… đơn giản, ít sung túc hơn.  Cái thời mà ai cũng muốn quên, chắc chắn.  Nhưng cùng lúc, nó là cái thời tiền tư bản.  Chưa đâu: chưa lo đến tiền, tiền, tiền, đến nhà đất, ô tô.  Anh em khổ cùng với anh em, thương nhau, câu nói đầu môi chỉ là cơm nắm, chú lợn con nuôi dưới giường.  Bao cấp.  Cái thời đau thương, nhưng hay hơn cái lúc này ở cái tinh thần chịu đựng, chấp nhận và không đua đòi.

Mà có xa xăm gì đâu, cái tháng 10 năm 2007 đó. Ở Cộng người ta đến ngồi với nhau, từ sáng sớm đến lúc đèn mờ tối.  Lúc đấy, người ta chưa mất thời gian với Facebook và I-pod, I-pad. Lúc đấy, người ta còn nói chuyện với nhau cơ. Chả ai chat, chả ai chúi mũi vào cái máy tính. Người ta cười, người ta cảm nhận nhau.

Và có lẽ, bây giờ, người ta cảm ơn Cộng. Cái biến chuyển tháng 10 đấy là Cộng, là cơ hội, là thói quen, là cái cũ “Cộng” cái mới.

Đi lùi, nhưng phong cách đương đại. Không có vẻ giàu sang, nhưng giàu tính hài hước, lại giàu tính… bạn bè thân thiết. Và Cộng cứ kéo dài như thế. Bàn ghế thay đổi đôi chút. Khách ngồi hàng ngày, những người bạn gọi nhau là “lũ nghệ sĩ.” Đến những người không giống gì nhau, nhưng thân thiết với nhau vì họ chơi xe cổ, hay chơi máy bay điều khiển từ xa. Có một thời, Cộng là chỗ lui tới của một vài chàng trai đã qua tuổi trung niên, lại yêu cái giọng hát của Tom Waits, hay là cái bóng mặt trời lúc muộn muộn, chen qua song cửa vào đậu bên cạnh cốc men nâu nóng.  Rồi cũng có thời các cô cậu sinh sau cái thời bao cấp chục năm, lọ mọ ngồi với nhau mà nhìn quanh, bảo nhau “Hà Nội hay thế, có cái chỗ là lạ như này.”  Vừa nói xong cái chữ “là lạ” thì đã thân quen.

Cộng. Trước lạ sau quen, đi tới, lại đi lùi.

Rồi cũng bao mùa thu. Lại thấy hiện lên một câu. Cộng, Cộng nữa, Cộng mãi.

À. Ngon nhỉ.  Thế là thế nào? Thế là đủ trưởng thành, đủ tự tin để bước thêm bước nữa. Chẳng phải là đính hôn với ai đâu nhé.  Chỉ là một cái chỗ mới, rộng rãi hơn chút.
Con đường Điện Biên Phủ to đùng.  Cũng là mùa thu rồi.  Lá rơi chưa?  Hay vẫn ù lì nằm trên cây?

Có gọi là Cộng ù lì được không. Thôi đi. Phải nói cho chính xác. Cộng là Cộng trung thành. Nhé. Trung thành với ý tưởng ban đầu. Trung thành với phong cách, với dịch vụ sinh tố, cốc cà phê rất… Cộng, ngọn đèn mờ, chiếc ghế gỗ đệm con công.

Bấy nhiêu đó, có đủ là Cộng không? Không, chửa là Cộng. Cộng là Cộng, là Cộng nữa, Cộng mãi, Cộng tới cùng, tới bến.

Bến là đâu? Là không gian thư giãn, biết ý, xem trọng cái con người hiểu, thương và vẫn quay lại với Cộng.  Ở 152D Triệu Việt Vương, hay ở 32 Điện Biên Phủ.

Cười với nhau, ngồi với nhau, chat cũng được, mà mấp máy đôi môi chém gió cũng được.  Miễn là ấp ủ cái tinh thần Cộng: không quá âu lo thực tại, ham muốn quá nhiều thứ, đến độ quên cả nhau.

Cộng, Cộng nữa, Cộng mãi.